Tuy vậy, hãy thử tư duy "ngược dòng", thử lật ngược vấn đề thế này để thấy rằng, ngay cả thanh ngắn nhất cũng có thể hữu dụng, và không hà cớ gì phải loại bỏ nó ra khỏi cái thùng, hay cố tìm cách làm cho nó… dài ra!
👉Thứ nhất, hãy nhìn kỹ cái thùng, bạn cứ thử loại bỏ thanh ngắn nhất đi, trong khi chưa có gì thay thế, bạn sẽ không chứa được gì trong thùng. Các thanh khác, dù dài cỡ nào, cũng không thể rời bỏ vị trí để thay thế cho thanh ngắn nhất. Nhân lực cũng vậy; có những vị trí thấp nhất, nhưng không thể không có, và cũng không dễ tìm người thay thế! Hãy biết cách tận dụng theo hoàn cảnh.
👉Thứ hai, thanh ngắn nhất sẽ hữu dụng cho những trường hợp sức chứa chỉ cần có thế, không cần hơn, vì nếu hơn, sẽ quá nặng, gây khó khăn cho vận chuyển hay gây lãng phí. Lúc đó, thanh ngắn nhất chính là thanh “định chuẩn” như một dụng cụ định chuẩn trong cơ khí. Bạn có để ý cái bồn rửa mặt hay rửa bát ở nhà bạn không? Luôn có một lỗ thoát ở vị trí thấp hơn mặt bồn, để nhỡ khi bạn quên đóng vòi, nước sẽ thoát theo lỗ này chảy vào ống thoát phía dưới mà không bị tràn ra ngoài. Trong công việc cũng vậy. Có những việc chỉ cần người có năng lực chừng đó, không cần cao hơn; vì nếu cao hơn, chi phí cũng cao hơn, mà kết quả làm ra chưa chắc bằng người có năng lực phù hợp.
👉Thứ ba, trong nhiều trường hợp, một thanh ngắn nhất rất khó để trở thành dài hơn, càng rất khó để trở thành dài nhất. Cũng như con người, ở một giới hạn nào đó, họ chỉ có thể làm tốt công việc hiện tại, ở cương vị hiện tại, khó có thể đưa lên vị trí cao hơn, hoặc giao cho trọng trách cao hơn. Chớ vì thấy họ “ngắn nhất” mà bỏ công sức làm cho họ dài ra, đôi khi vô ích. Thay vì thế, hay giao cho họ công việc phù hợp với “chiều dài” (năng lực) của mình. Là người “ngắn nhất”, họ sẽ làm rất tốt công việc “ngắn nhất” đó hơn bất kỳ người “dài hơn” nào khác! Ví dụ, một nhân viên bảo vệ đang làm rất tốt công việc bảo vệ, nhưng nếu cứ cố “kéo dài” anh ta ra (mặc dù anh ta không có tiềm năng) để đưa lên vị trí cao hơn (tổ trưởng hay đội trưởng bảo vệ) thì hỏng. Từng có trường hợp một lái xe được nâng lên làm phó chánh văn phòng ở huyện nào đó, và một lái xe khác được nâng lên làm phó viện trưởng, chủ tịch hội đồng khoa học của viện quy hoạch gì đó, và cả hai đều chẳng làm được gì mà còn gây bức xúc trong dư luận!
Trong quản lý con người, cần lưu ý rằng, mỗi người đều có thể sử dụng ở vị trí phù hợp, không quan trọng là “ngắn” hay “dài”. Và cũng đừng cố “kéo dài” một người bằng cách khắc phục điểm yếu của người ấy, vì cái điểm yếu ấy không dễ khắc phục. Chi bằng hãy giao cho họ việc gì phù hợp với thế mạnh của họ, và cái điểm yếu ấy không ảnh hưởng gì đến công việc. Ví dụ một người có điểm yếu là tính toán kém, đừng giao cho họ việc gì liên quan đến tính toán.
Đừng bảo con cá leo cây như con khỉ, rồi cứ bắt con cá phải học cách leo cây để khắc phục điểm yếu!